Views: 436
Mục tiêu
Nội dung bài viết này giới thiệu hai dạng thức tư duy hỗ trợ cho việc học hỏi, bao gồm tư duy tập trung và tư duy phân tán. Không những thế, chúng ta còn sẽ biết khi nào thì sử dụng hình thức tư duy nào để tối đa hóa quá trình học tập của bản thân.
Hai dạng thức tư duy
Tư duy tập trung
Đây là kiểu tư duy truyền thống, tập trung cao độ và quen thuộc. Phản xạ giải quyết vấn đề nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Ưu điểm
Giúp giải quyết vấn đề nhanh, dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu.
Nhược điểm
Do chỉ dựa trên kinh nghiệm đã biết, nên tư duy loại này sẽ không giúp được chúng ta trong việc suy nghĩ ý tưởng sáng tạo, hoặc một giải pháp mà bản thân chưa hề biết đến trước đó.
Tư duy phân tán
Khác với kiểu tư duy tập trung truyền thống, đây là hình thức tư duy theo cách để cho tâm trí, đầu óc thư giãn. Tất nhiên, từ đó giúp suy nghĩ được mở rộng tối đa phạm vi, có thể vượt ngoài nhận thức hoặc những gì đã biết trước đó.
Ưu điểm
Hỗ trợ tối đa khi chúng ta học một thứ gì đó hoàn toàn mới, hoặc những khái niệm khó hiểu và cần nỗ lực suy nghĩ rất nhiều.
Nhược điểm
Cần tích luỹ dần theo thời gian, giống như việc xây dựng cơ bắp, cho nên đối với những vấn đề buộc phải đưa ra giải pháp trong thời gian ngắn thì rất hạn chế hoặc không hiệu quả.
Chuyển đổi giữa hai dạng thức tư duy nhằm tối đa hóa khả năng tiếp thu
Dĩ nhiên, có một điều cực kỳ quan trọng chúng ta cần lưu ý, đó là hai dạng thức tư duy này hoàn toàn không thể tồn tại cùng lúc được. Nói cách khác, khi đang ở dạng thức tư duy tập trung, chúng ta sẽ không thể sử dụng được dạng thức tư duy phân tán, hay ngược lại.
Vậy làm thế nào để kích hoạt có chủ ý hai dạng thức tư duy này?
Chúng ta sẽ đi qua hai ví dụ về hai nhân vật đặc biệt trong lịch sử thế giới: Salvador Dalí và Thomas Edison.
Những ví dụ về tư duy phân tán
Salvador Dalí
Ông là một họa sĩ tranh siêu thực nổi tiếng ở Tây Ban Nha, qua các tài liệu ghi lại, người ta tìm hiểu được rằng, mỗi khi ông cần suy nghĩ về những ý tưởng, ông thường ngồi trên ghế và trong tay cầm sẵn một … chùm chìa khóa.
Trong lúc đó, ông để tâm trí thư giãn sau khi suy nghĩ về các ý tưởng để vẽ, đến khi bắt đầu thiu thiu sắp chìm vào giấc ngủ, chiếc chìa khóa trong tay ông rơi xuống đất tạo nên tiếng ồn đánh thức ông dậy.
Và chính ngay lúc này, các ý tưởng mà ông suy nghĩ, ban đầu rời rạc và khó hiểu (có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến cảm giác buồn ngủ), nay lại trở nên thông thoáng hơn, và giúp ông quay trở lại với hình thức tư duy tập trung, nhưng lúc này phạm vi ý tưởng, giải pháp đã được rộng mở hơn trước.
Thomas Edison
Cũng giống với Salvador Dali, cách mà Thomas suy nghĩ về các ý tưởng sáng tạo của mình đó là trong khi ngồi miên man về những ý tưởng, sáng kiến hóc búa khó hiểu của mình, ông cầm trong tay một … vòng bi.
Và khi đầu óc ông chuẩn bị rơi vào trạng thái mơ màng lim dim, vòng bi trong tay ông rơi xuống tạo nên tiếng động mạnh, khiến ông bật tỉnh và quay về hình thái tư duy tập trung.
Từ lúc đó tâm trí ông bắt đầu trở lại từ một điểm mốc khác, và dĩ nhiên, mọi suy nghĩ trước đó của ông cũng tự động được sắp xếp lại một cách trật tự.
Đó là cách mà não bộ chúng ta hoạt động.
Cách thức chuyển đổi dạng thức tư duy
Theo hai ví dụ được đề cập ở trên, chúng ta có thể thấy được cách mà hai nhân vật nổi tiếng đã áp dụng từ khi xưa trong quá trình học hỏi, làm việc của họ.
Dĩ nhiên, đó là một trong những cách để giúp chuyển từ trạng thái tư duy tập trung sang trạng thái tư duy phân tán và ngược lại.
Hiểu một cách tổng quát hơn, để chuyển đổi sang trạng thái tư duy phân tán, chúng ta cần để cho đầu óc được thư giãn. Và có rất nhiều cách hỗ trợ việc này: chạy bộ, đi bộ, tán gẫu, thiền định …
Hiệu quả của tư duy phân tán
Giúp cho não bộ có thời gian sắp xếp lại toàn bộ những suy nghĩ, kiến thức rời rạc, khó hiểu mà chúng ta thu nhận trong trạng thái tư duy tập trung. Từ đó giúp cho việc tiếp thu và hiểu các phần kiến thức khó về sau trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt là đối với các mảng kiến thức khó như về Toán học hoặc các môn Khoa học.
Mẹo nhỏ áp dụng hai kiểu tư duy vào việc học các môn, lĩnh vực khó mà không thấy nhàm chán
Chính là sử dụng phương pháp “Quả cà chua thần kỳ”: Pomodoro.
Trước tiên các bạn cần xác định khoảng thời gian bản thân có thể tập trung tốt nhất có thể (trung bình tầm 25 phút), sau đó cài đặt hệ thống báo thức mỗi 25 phút sẽ để cho cơ thể và đầu óc có khoảng thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn.
Hiểu theo khía cạnh của hai hình thức tư duy, chúng ta có thể phân tích về phương pháp Pomodoro như sau:
Trong vòng 25 phút pomodoro
Tập trung hoàn toàn, cách ly các phương tiện gây sao nhãng (điện thoại, chat, …) để tập trung vào chủ đề đang học, hay vấn đề cần giải quyết, và cứ đơn giản là lao vào tìm đủ mọi cách để thực hiện việc đó.
Đây là hình thái tư duy tập trung.
Sau 25 phút tập trung cho pomodoro
Ngưng những việc đang làm lại, dù cho cảm thấy có cảm giác hơi khó hiểu, khó chịu vì chưa giải quyết ra được, chưa nghĩ ra giải pháp cho vấn đề. Nhưng hãy cứ nghỉ ngơi và đừng nghĩ ngợi gì tới điều đang tìm hiểu.
Sau tầm vài phút, quay trở lại với một chu kỳ pomodoro mới, cứ như vậy, càng về các pomodoro sau, trí não của bạn sẽ ở một trạng thái mới, thông suốt hơn, và bạn sẽ giải quyết vấn đề, tiếp nhận kiến thức mới một cách thoải mái, trơn tru hơn.
Đây là hình thái tư duy phân tán.
TL;DR;
Có hai dạng thức tư duy chính mà nếu áp dụng thành thạo, chúng ta có thể tối ưu năng suất của não bộ trong việc học hỏi kiến thức mới hoặc giải quyết vấn đề.
Hai dạng thức tư duy đó là:
- Tư duy tập trung: là trạng thái tinh thần khi chúng ta tập trung suy nghĩ, cố gắng tìm ra giải pháp cho một vấn đề, hoặc cố gắng để hiểu một khái niệm mới.
- Tư duy phân tán: là trạng thái tinh thần khi chúng ta thả lỏng cơ thể và để đầu óc thư giãn thoải mái, lúc này não bộ sẽ thực hiện công việc của nó, là tự động sắp xếp lại các ý tưởng, suy nghĩ phức tạp mà chúng ta thực hiện khi ở trạng thái tư duy tập trung.
Hai trạng thái tư duy này tồn tại độc lập với nhau, ví như hai mặt của đồng xu.
Do đó chúng ta cần phương pháp để chuyển đổi qua lại giữa hai trạng thái sao cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Một trong những phương pháp áp dụng chuyển đổi đó là Pomodoro.
Kết
Với thời đại mà internet đã trở nên quá phổ biến, và việc tiếp cận kiến thức mới thuộc đa lĩnh vực không còn là một điều gì khó khăn nữa. Do vậy, việc trang bị cho bản thân những phương pháp học tập hiệu quả là tối quan trọng trong thời đại ngày nay.
Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ hiểu và biết cách tận dụng hai hình thái của tư duy để áp dụng cho việc tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
Tham khảo
Course “Learning How to learn”: https://www.coursera.org/learn/learning-how-to-learn/home/welcome