Views: 442
Vào đề
Với mục đích mở mang kiến thức, thì việc đọc sách “ngoại ngữ” không phải là điều thứ yếu cho mục đích này
Để hiểu rõ hơn cần phải phân tích rõ các câu hỏi sau:
- Kiến thức đến từ đâu?
- Mở mang kiến thức nghĩa là gì?
- Bàn về việc đọc sách nói chung
- Bàn về việc đọc sách ngoại ngữ nói riêng
Chia sẻ cảm nghĩ
1 Kiến thức đến từ đâu?
Trước hết, cùng đi vào câu hỏi đầu tiên ở trên. Kiến thức đến từ rất nhiều nguồn. Ví dụ: sách, báo, internet … và ngay cả từ những kinh nghiệm cuộc sống đúc kết ra được.
Vậy nên ta thấy, nguồn kiến thức thì rất nhiều và vô số. Chứ không chỉ gói gọn ở một phạm vi nhỏ hẹp như là một bài báo, một cuốn sách hay một câu nói.
2 Mở mang kiến thức nghĩa là gì?
Tiếp theo, đến với câu hỏi thứ hai về việc mở mang kiến thức. Về mặt định lượng, thì có thể hiểu là gia tăng thêm số lượng thông tin, kiến thức mà mình hiện có.
Lấy ví dụ, hiện tại ta chỉ đang biết HTML là một ngôn ngữ cấu trúc, CSS là một ngôn ngữ markup, nhưng ta chưa biết cách để kết hợp 2 thứ này lại để tạo ra một trang web tĩnh.
Vậy thì việc bổ sung kiến thức và biết cách ứng dụng kết hợp HTML và CSS để tạo ra trang web tĩnh chính là quá trình mở mang kiến thức. Đi từ chỗ chỉ biết HTML/CSS đơn lẻ, đến chỗ biết cách xây dựng một website kết hợp cả HTML lẫn CSS.
Hình dung như một chiếc giỏ đựng quýt:
- chỉ biết HTML: một trái quýt
- chỉ biết CSS: thêm một trái quýt
- biết cách phối hợp HTML và CSS để tạo ra website tĩnh: thêm một trái quýt nữa
Nghĩa là đi từ trạng thái cái giỏ đang có 2 trái quýt lên thành giỏ có 3 trái quýt. Đó cũng gọi là đã mở mang kiến thức.
3 Bàn về việc đọc sách nói chung
Việc đọc sách có thể chia ra làm nhiều loại tuỳ theo mục đích như sau:
- Đọc tham khảo để làm một điều gì đó (như là dạy lại cho người khác, chia sẻ thông tin, phục vụ thi cử, phục vụ công việc, …)
- Đọc để nâng cao tâm hồn (ví như đọc tiểu thuyết, đọc tác phẩm văn học, …)
- Hoặc đọc vì cơ bản là đọc thôi (ví như đọc như một sở thích, đọc vì yêu mến tác giả, đọc vì để luyện đọc nhanh, đọc như một cách thiền định, …).
Nên là tuỳ vào mục đích của mỗi người, mà phân loại ra được các loại hình đọc sách, và cũng đồng thời giúp ta biết cách lựa chọn sách để đọc cho phù hợp.
4 Bàn về việc đọc sách ngoại ngữ nói riêng
Cuối cùng, bàn về việc đọc sách ngoại ngữ nói riêng. Hãy thử lấy lại ví dụ về việc mở mang kiến thức từ HTML và CSS ở trên.
Giả sử như mục đích chính là để xây dựng được một trang website tĩnh, thì việc chính yếu nhất đó là tìm kiếm tài nguyên phục vụ cho đúng nhu cầu đó.
Mục đích xây website
Xét về phương diện “Kiến thức đến từ đâu” mà ta đã phân tích ở điều một, thì có thể xác định ra vô số các kênh để thu nạp kiến thức phục vụ mục đích xây dựng website tĩnh.
Và nếu đã tìm ra được một tài liệu tiếng Việt phù hợp, và tài liệu đó giúp đạt được mục đích là xây dựng thành công một website tĩnh bằng HTML/CSS. Đó là ta đã đạt được mục đích.
Hay nói cách khác, nếu mục đích để phục vụ nhu cầu xây dựng website tĩnh bằng HTML/CSS, không nhất thiết phải tìm cho được tài liệu nước ngoài để đọc thì mới giải quyết được vấn đề trên.
Mục đích trau dồi ngoại ngữ, sự nghiệp lâu dài
Nếu mục đích chính là nâng cao khả năng ngoại ngữ để phát triển sự nghiệp lập trình về lâu về dài, chứ không chỉ là để xây dựng một website tĩnh không thôi, thì cách thức thực hiện lúc này sẽ cần được điều chỉnh.
Lúc này đây, ta cần bỏ công để tìm kiếm tài liệu ngoại ngữ phù hợp để bổ sung phần kiến thức còn đang thiếu đó.
Từ đó, thông qua việc thực hành xây dựng website tĩnh, kết hợp việc đọc tài liệu nước ngoài để bổ sung thêm kiến thức và xây dựng vốn từ chuyên ngành, ta đạt được mục đích.
Kết
Tóm lại, tuỳ vào mục đích mà ta có thể lựa chọn chiến lược tiếp cận phù hợp. Nghĩa là để phục vụ cho việc mở mang kiến thức, việc đọc sách ngoại ngữ cũng chỉ là một trong những cách thức thu nạp thông tin mà ta cần lưu tâm tới.
Do đó, bản thân việc đó không phải là yếu tố thứ yếu duy nhất giúp ta đạt được mục đích mở mang kiến thức.
Tuy nhiên, suy cho cùng thì việc có thêm khả năng ngoại ngữ, tương đương với việc mở rộng thêm “năng lực thu nạp” kiến thức, vẫn là việc đáng để đầu tư tâm sức.
Hình dung giống như việc bạn muốn di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Lạt. Việc chỉ biết một ngôn ngữ giống như bạn chỉ biết mỗi một phương tiện là xe buýt, còn việc biết thêm một ngoại ngữ thì ví như là bạn có thêm một lựa chọn phương tiện khác, như máy bay, tàu lửa,… chẳng hạn.
Trên đây là một vài suy tư, cảm nghĩ về việc học hỏi và mở mang kiến thức từ cá nhân tác giả. Mong có thể giúp ích cách nào đó cho những ai còn đang băn khoăn trong chặng hành trình tri thức của mình.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc, mến chúc mọi sự tốt lành!