Cảm giác tự ti có ích hay không?

Tự ti là gì? Đây là thái độ tốt hay xấu?

Để biết được điều này, chúng ta cần hiểu được hai khái niệm đó là “Cảm giác tự ti” và “Phức cảm tự ti”. Vậy chúng khác nhau điểm nào? Hiểu được điều này bạn sẽ có thể sống thanh thản và hạnh phúc hơn.

Cảm giác tự ti

Điều đầu tiên cần hiểu rõ, đây là cảm giác tốt! Vì sao? Theo tâm lý học Adler, đây là cảm giác rất thuần túy của con người. Con người cần có cảm giác tự ti để phát triển hơn, tiến bộ hơn. Nói theo cách khác, cảm giác tự ti chính là một mặt của nhu cầu “theo đuổi sự vượt trội”

Ví dụ, khi chúng ta không giỏi Toán, cảm giác tự ti khi gặp các vấn đề về Toán chắc chắn sẽ xuất hiện. Điều đặc biệt hơn chính là nhờ vào cảm giác tự ti này, chúng ta nỗ lực làm nhiều bài tập hơn, giải nhiều đề toán hơn, để bứt bản thân ra khỏi cảm giác này, và nó thúc đẩy bản thân phát triển theo chiều hướng ngày một tiến bộ.

Ai cũng đều có trong mình cảm giác tự ti khác nhau. Người có đầy đủ của cải vật chất cũng vẫn có những cảm giác tự ti của riêng họ, người không có của cải hay chịu thiệt thòi trong quá khứ cũng có cảm giác tự ti theo cách khác. Không ai là không có.

Quan trọng là chúng ta tư duy theo lối cảm thấy mình tự ti, nên mình nỗ lực, phấn đấu phát triển cải thiện lên theo chiều hướng tốt. Hoặc nếu chỉ vin vào những yếu kém của bản thân để tự bào chữa, thì hình thức tâm lý đó sẽ được gọi là “phức cảm tự ti”.

Phức cảm tự ti

Khác với “cảm giác tự ti”, phức cảm tự ti chính là khi bạn cảm thấy không tự tin ở một lĩnh vực, hoặc e sợ, với tâm lý sợ bị người khác so sánh, đánh giá mình không tốt.

Căn nguyên của phức cảm tự ti là từ suy nghĩ so sánh bản thân với người khác, xuất phát từ người khác, quên mất đi chính bản thân mình. Đây là kiểu suy nghĩ “Vì A nên không làm được B”.

Điều này hoàn toàn không tốt vì sẽ khiến bản thân lúc nào cũng e dè, lo lắng, luôn phải nhìn ánh mắt người khác để mà sống, đánh mất cuộc đời chính mình.

Ví dụ, một anh chàng mặt mụn rỗ, rất muốn làm quen với một cô gái mà anh rất yêu mến. Nhưng anh suy nghĩ rằng chính vì mặt rỗ, nên anh không thể tỏ tình với cô gái ấy. Đây gọi là phức cảm tự ti.

Hiểu theo cách khác, chàng trai trên đang nỗ lực “không muốn” thay đổi bản thân. Vì dù sau này có điều gì xảy ra, anh ta cũng sẽ đều vin vào lý do “mặt rỗ” đó để mà tự an ủi bản thân, không chấp nhận thay đổi.

Những kiểu người mắc phải phức cảm tự ti, câu cửa miệng của họ thường là “Nếu mà…, Giá mà, …”, họ đổ thừa cho hoàn cảnh, cho quá khứ để né tránh sự yếu kém của bản thân hiện tại.

Cuộc đời của bạn là do bạn tự quyết định

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, và cũng chẳng thế biết được tương lai. Nhưng hiện tại như thế nào là do bản thân mỗi người tự định đoạt lấy.

Bạn muốn giỏi Toán? Cứ mở các bài tập toán ra mà giải.
Bạn muốn làm quen một cô gái mà bạn thích? Đừng ngần ngại mà nói thẳng ra suy nghĩ của mình, mất gì đâu chứ?
Bạn muốn luyện thêm một kỹ năng? Cứ dành ngay một khoảng thời gian trong ngày mà làm.
Bạn muốn từ chối cuộc hẹn, cứ mạnh dạn từ chối.

Đừng tốn thời gian để suy nghĩ liệu người khác sẽ nghĩ gì về mình, đừng vin vào những hoàn cảnh của bản thân mà không dám can đảm dấn bước để làm điều gì đó khác biệt.

Điều đơn giản chỉ là “Cứ làm một điều gì đó đi”, và quan trọng nữa là tận hưởng quá trình ngay ở thời điểm hiện tại.

Rồi đến một ngày bạn sẽ nhận ra, Ô! Mình đã đi đến được đến đây rồi sao!?


P/S: bài viết lấy cảm hứng từ sách “Dám bị ghét” của Koga Fumitake, Kishimi Ichiro

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.