Trí tưởng tượng – khả năng liên tưởng

Liên tưởng

Hiểu nôm na là nhìn/nghe A là nghĩ ngay đến B.

Ví dụ: chia ra theo 2 quan năng cơ bản mà mọi người sử dụng thường xuyên nhất là NGHE và NHÌN.

  • NGHE: khi nghe ai đó la lớn lên “chuối !!!”, lập tức trong đầu hiện ra hình ảnh 1 quả chuối (hoặc tuỳ mức độ trong sáng của não bộ mà mỗi người có thể liên tưởng ra những hình ảnh “lạ lẫm” nào đó khác)
  • NHÌN: khi đọc thấy một từ/câu/đoạn nào đó trong trang sách có nội dung “quyến rũ”, lập tức trong đầu hiện ra hình ảnh 1 cô nàng nóng bỏng với số đo 3 vòng chuẩn như Ngọc Trinh (cũng tuỳ vào trí hiểu biết của mỗi người mà hình ảnh hiện ra sẽ khác nhau)

Lợi ích cực kỳ to lớn

Là một trong những phương pháp ghi nhớ tối ưu nhất thế giới hiện nay.

Do bộ não con người ghi nhớ thông tin dưới dạng hình ảnh tốt hơn hết. Có thể chứng minh bằng cách thử đưa ra 1 list danh sách các thứ cần mua bằng CHỮ, và 1 list khác có kèm HÌNH ẢNH minh hoạ, sẽ thấy list có sử dụng hình ảnh sẽ dễ nhớ hơn.

Khả năng liên tưởng là không giới hạn. Mỗi người đều có thể sử dụng trí tưởng tượng để liên tưởng ra tất tần tật các sự vật, sự việc trong cuộc sống.

🧩 Đố vui thông minh:

Thử tưởng tượng một người đang ở giữa dòng sông, xung quanh vây bởi hàng trăm con cá sấu, đang hung hăng lao tới, dự là sẽ chén sạch người này. Hỏi làm sao để người đó có thể thoát ra khỏi vòng vây an toàn? (đáp án nằm ở cuối bài, nếu lĩnh hội được nội dung của bài viết, sẽ hiểu ngụ ý vì sao tác giả muốn đố câu này)

Kỹ thuật liên tưởng

Dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân

Điều này sẽ tuỳ thuộc vào lượng kiến thức đã được tích luỹ trong cuộc sống (vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, .v.v.). Khi nghe đề cập đến một vấn đề, sự kiện, sự vật bất kỳ, hãy suy nghĩ đến một hình ảnh minh hoạ liên quan đến sự vật đó (hình càng đơn giản càng tốt, nên chọn hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu).

Ví dụ: khi nghe từ khoá “anh hùng”, theo kinh nghiệm và vốn kiến thức của tác giả, hình ảnh một chàng trai lực lưỡng cơ bắp, soái ca các kiểu sẽ hiện ra đầu tiên trong đầu. Từ đó giúp LIÊN TƯỞNG đến từ khoá “anh hùng”

Dùng tool: “Google Search”

Khi gặp phải một từ khoá mà mãi không nghĩ ra được một hình ảnh quen thuộc nào minh hoạ cho từ khoá đó, thì phải làm sao? Rất đơn gỉản, sử dụng bộ tìm kiếm mạnh mẽ nhất đó là Google

  • Truy cập vào https://www.google.com
  • Nhập từ khoá đang muốn nhớ theo cú pháp: <từ_khoá> icon
    Ví dụ: “dog icon”, “successfull icon”, “serious icon”, .v.v.
  • Chọn ra một hình ảnh dễ nhớ nhất, ấn tượng nhất đối với bản thân. Ghi nhớ hình ảnh đó.
  • Lặp lại: luyện tập bằng cách nhìn vào từ khoá, sau đó “nhớ lại” hình ảnh vừa chọn trước đó.
    Luyện đến khi chỉ cần nhìn chữ là trong đầu tự hiện ra hình.

Chỉ cần nhìn CHỮ là trong đầu tự hiện ra HÌNH – Matianda

Ứng dụng

Ghi nhớ ý nghĩa từ vựng tiếng Anh

Áp dụng việc liên tưởng vào học tiếng Anh là một trong những cách hiệu quả để ghi nhớ nghĩa của từ nhanh chóng và lâu dài.

Giả sử khi bắt gặp một từ khoá mới, ví dụ “Algorithm”, đây là một từ khá là khó nhớ và khó hình dung. Vậy các bước để bắt đầu ghi nhớ từ này bằng kỹ thuật liên tưởng như sau:

  • Tra từ điển để biết ý nghĩa của từ
  • Truy cập google, tìm theo cú pháp: <keyword> icon
    => “algorithm icon”
  • Chọn qua mục “Hình ảnh”, chọn ra 1 hình ảnh dễ nhớ nhất, ấn tượng nhất với bản thân
  • Luyện tập liên tưởng: mở hình ảnh đó lên, vừa nhìn từ khoá, vừa nhìn hình ảnh. Dừng lại, nhìn vào từ khoá, và nhắm mắt nhớ về hình ảnh. Cứ lặp lại vài lần cho đến khi tạo thành PHẢN XẠ liên tưởng.

“Ngôn ngữ cảm xúc hình tượng” trong giao tiếp

Trong giao tiếp, điều khó nhất không phải là nghĩ ra cái để nói, mà là làm sao nói để đối phương hiểu và cảm nhận được nội dung truyền đạt.

Nói làm sao để cho đối phương “cảm nhận” được nội dung truyền đạt

Nghĩa là làm sao để người khác vừa nghe mình nói vừa hình dung ra được viễn cảnh của nội dung truyền đạt.

Ví dụ sau đây sẽ giúp hiểu rõ hơn thế nào là “ngôn ngữ cảm xúc hình tượng”:

Tom và Jerry đã lấy nhau được hơn 3 năm. Thời gian gần đây, Jerry thấy Tom có vẻ như không còn dành sự quan tâm đến vợ con nhiều như trước, nên cô hay khó chịu, cáu gắt với chồng. Về phần Tom thì anh do áp lực công việc, cuộc sống, nên tinh thần không còn thoải mái, dẫn đến lơ đễnh việc chăm nom gia đình.

Dù cho Tom có giải thích, liệt kê những khó khăn trong công việc như nào là hồ sơ sổ sách cần giải quyết nhiều, các giấy tờ thư từ của khách hàng cần được giải quyết bla bla… thì Jerry cũng vẫn không sao cảm được khó khăn của chồng, và cứ cho là Tom chưa hiểu mình, Tom cũng không biết phải giải thích thế nào thì Jerry mới “thấu hiểu” cảm giác của anh lúc này.

Và Tom quyết định đến gặp một chuyên gia tâm lý, lúc này anh mới tiếp nhận được một kỹ thuật gọi là “ngôn ngữ cảm xúc hình tượng” để áp dụng vào việc nói làm sao cho Jerry hiểu và cảm được vấn đề của anh.

Sau khi về nhà và chuẩn bị sẵn nội dung trình bày, Tom mới gọi Jerry lại và nói: “Jerry à, em có nhớ con cún của bác Tony mà em rất yêu quý không? Mỗi ngày nó đều chạy ra ngoài quán hủ tiếu của bà Diana để kiếm miếng xương miếng thịt, và cũng thường hay bị những người khách ở đó xua đuổi, bị những con cún khác giành giật miếng mồi, bị đám trẻ nhỏ quậy phá gần đó đuổi đánh … nó cố gắng để bảo vệ miếng mồi để mang về nhà cho lũ cún con ăn.

Khi nó chạy về nhà, điều mà nó mong muốn nhất là được lại gần chủ, quẩy đuôi mừng, được âu yếm vuốt ve, và nằm bên lũ con của nó, như vậy thì những điều ngoài kia dù có thế nào thì nó vẫn sẽ chống chọi được, vì nó luôn biết ở đâu đó vẫn có người chủ hằng yêu mến, vuốt ve nó mỗi khi nó trở về.

Và em thử nghĩ xem, nếu như khi nó về, mà chủ nó không những lớn tiếng la mắng, chửi rủa và cũng xua đuổi nó như những người ngoài kia, thì nó sẽ như thế nào? Và Jerry à, đó cũng là cảm giác mà anh đang phải trải qua trong lúc này”.

Trong câu chuyện về chú cún mà Tom kể với Jerry, anh đã khéo léo chọn ra hình ảnh chú cún mà Jerry rất yêu quý, điều này đã làm cô dễ liên tưởng, hồi nhớ lại những ký ức đẹp về chú cún thân thương. Và anh cũng đưa ra những hình ảnh như quán hủ tiếu của bà Diana, ông chủ Tony, … Những hình ảnh đó đã gợi cho Jerry liên tưởng ra được hình ảnh cụ thể dựa trên kinh nghiệm sống ở quá khứ của cô. Xuyên suốt câu chuyện, cô vừa nghe Tom nói, vừa tái hiện lại những “thước phim” đó trong đầu mình. Và hiệu quả từ việc này đó là Jerry đã hiểu và cảm nhận được cảm giác của chồng cô.

Câu chuyện trên tác giả đã lấy ý tưởng dựa trên một câu chuyện khác được đề cập trong cuốn “Những bước đơn giản đến ước mơ – Steven Scott” để minh hoạ cho việc ứng dụng Ngôn ngữ cảm xúc hình tượng trong giao tiếp để đối phương hiểu và cảm nhận được nội dung truyền đạt.


Khả năng liên tưởng, tưởng tượng của con người là vô hạn, và ai cũng đều có thể luyện tập được từ ngay lúc này. Hãy biết rèn luyện khả năng này, không chỉ gom gọn trong việc học từ vựng tiếng Anh, trong giao tiếp, mà còn để bộ não trở nên sáng tạo và luôn tươi mới hơn mỗi ngày.

Đáp án đố vui: đơn giản là chỉ việc tưởng tượng người đó bỗng mọc ra thêm đôi cánh thiên sứ sau lưng, và đập cánh bay vút lên trời, thoát khỏi vòng vây của lũ cá sấu (có đến 1001 kiểu thoát chết khác nhau, tuỳ kịch bản tưởng tượng của mỗi người mà ra)

 

Nguồn tham khảo:

  • Trí tuệ Do Thái” – Eran Katz
  • Sketch Note” technique
  • Sử dụng trí nhớ của bạn” – Tony Buzan
  • Những bước đơn giản đến ước mơ” – Steven Scott

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.