Views: 624
Thời kỳ bùng nổ thông tin đã và đang diễn ra ngay xung quanh chúng ta. Vậy làm thế nào để đứng vững và làm chủ được lượng thông tin, kiến thức khổng lồ như thế? Đáp án là HÃY CHỌN LỌC.
Câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào để chọn lọc liệu một nội dung có cần được ghi nhớ hay không?”. Bài viết này sẽ giải đáp vấn đề đó.
Xác định vấn đề cần nhớ hay không
Tiêu chí để xác định liệu một vấn đề/nội dung đang tìm hiểu có nhất thiết cần phải được ghi nhớ lại hay không, chính là dựa trên ba yếu tố sau:
- Tính bất biến
- Thời gian tra cứu hạn hẹp
- Tần suất lặp lại nhiều
Tính bất biến
Tính bất biến được hiểu là những vấn đề NỀN TẢNG, cốt lõi. Hay nói cách khác là điều đó có khả năng tồn tại trong một khoảng thời gian rất lâu mới thay đổi, hoặc không bao giờ thay đổi (tính theo đơn vị là năm).
Lập trình javascript
Lấy ví dụ trong việc học lập trình Javascript, các thư viện, framework chính là bề nổi, theo thời gian càng có nhiều framework khác được sinh ra, do đó chính bản thân Javascript mới là nền tảng. Trước khi muốn hiểu rõ về framework, chúng ta cần nắm rõ kiến thức về Javascript.
Vậy cần xác định đầu tư thời gian để học và ghi nhớ những điều cơ bản về Javascript: cú pháp, cấu trúc dữ liệu, closure, IIFE, …
Học chơi piano
Một ví dụ khác, đó là học chơi nhạc cụ, cụ thể là piano.
Để đánh được một bản nhạc, không phải cứ mở các video đánh mẫu trên mạng rồi bắt chước theo miệt mài ngày đêm là sẽ chơi được piano. Những bản nhạc, đó chỉ là bề nổi, nếu kiên nhẫn đánh được một bản, thì sẽ mất cũng chừng đó thời gian để tập được bài tiếp theo.
Nhạc lý, hợp âm, nhịp phách, luyện ngón nhuần nhuyễn chính xác, mới chính là NỀN TẢNG. Vì những kiến thức này bất biến theo thời gian, dù cho thế nào thì cũng không thể thay thế âm thanh nốt C thành nốt D được, hoặc không thể nào một ngày người ta lại gọi nốt F là nốt E được.
Vậy cần xác định đầu tư thời gian để nhớ: nhạc lý, cấu tạo hợp âm, tiến hành hợp âm, nhịp, phách, các bài tập luyện ngón.
Thời gian tra cứu
Khi đụng phải vấn đề, chúng ta không có nhiều thời gian để tra cứu, phải phản xạ đưa ra quyết định nhanh nhất có thể để không để trì trệ dẫn đến các kết quả không mong muốn.
Thử tưởng tượng một vị bác sĩ đang trong một ca phẫu thuật, hoặc chẩn đoán bệnh, hoặc như gặp một bệnh nhân đang nguy kịch, mà vị bác sĩ ấy lại bật Google lên và tra cứu thông tin kiến thức thì như thế nào?
Những kiến thức nhằm áp dụng cho những trường hợp tương tự như thế này, thì cần được cân nhắc để ghi nhớ.
Tần suất xuất hiện
Tần suất xuất hiện nhiều, hay nói cách khác, một vấn đề, nội dung mà đi đâu, làm gì cũng đều có sự hiện diện của nó.
Ví dụ như trong lập trình hướng đối tượng, đi đâu làm gì chúng ta cũng thấy class, interface, function, … Vậy nên chúng ta cần phải tìm hiểu và nhớ về các khái niệm này, để bất cứ lúc nào dùng cũng hiểu được ý nghĩa của nó.
Hoặc như trong việc giải quyết vấn đề, dù là vấn đề gì thì cũng có thể quy ra thành sáu loại: What/who, How many, Where, When, How, Why. Và vấn đề thì xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Vậy dành thời gian để hiểu và nhớ cách nhận diện vấn đề, là một điều cần cân nhắc.
Tất nhiên một điều kiện khác nữa đó là kiến thức đó phải liên quan trực tiếp đến chúng ta, cụ thể là có thể giúp ích cho các mục tiêu của bản thân mỗi người (vì mục tiêu mỗi người có thể khác nhau, nên lĩnh vực kiến thức được chọn của mỗi người sẽ khác nhau).
Sau khi đã xác định một vấn đề hội đủ 2/3 (hai trong ba) điều kiện trên, thì đã có thể quyết định được nội dung kiến thức đó cần được chúng ta dành thời gian để ghi nhớ.
Cốt lõi các kỹ thuật nhớ?
Trí tưởng tượng.
Các nhân vật điển hình có thể nói là vận dụng rất tốt kỹ thuật nhớ chính là: Sherlock Holmes, Tony Buzan, Eran Katz, … đều đã được biết đến và thảo luận nhiều trên các sách báo.
Từ xưa những nhân vật xuất chúng kia do biết cách vận dụng khả năng tư duy, trí tưởng tượng mà có thể nhớ và liên tưởng ra các mối tương quan giữa các sự vật, hiện tượng, và để lại cho thế giới những kho tàng tri thức vĩ đại.
Hiện nay đã có nhiều sách báo đề cập đến các kỹ thuật ghi nhớ hiệu quả, các kỹ thuật điển hình như: cung điện trí nhớ, âm thanh tương tự, số hình, số vần, … dựa trên các nguyên lý trí nhớ, như: hài hước, kích cỡ, màu sắc, giác quan, chuyển động, …
Cốt lõi nhất vẫn là vận dụng trí tưởng tượng, khả năng hình dung, liên tưởng.
Càng luyện tập tưởng tượng nhiều để nhớ các sự vật, kiến thức, trí não chúng ta sẽ ngày càng mở rộng và tư duy sắc bén hơn.
Kết
Tóm lại, để xác định một vấn đề, nội dung liệu có cần được chúng ta đầu tư thời gian để ghi nhớ hay không, cần dựa trên ba yếu tố:
- Tính bất biến
- Thời gian tra cứu hạn hẹp
- Tần suất lặp lại nhiều lần
Một khi đã xác định được nội dung, kiến thức đó hội đủ 2/3 (hai trong ba) điều kiện trên, thì hãy vận dụng các kỹ thuật ghi nhớ để học và ghi nhớ các điều đó.
Chúc các bạn thành công.