Views: 988
Đã bao lần bạn tự hỏi bản thân rằng “liệu những gì mình đang làm có mang lại lợi ích gì hay không?”, hoặc “khi nào mình mới đạt được mục đích, hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra?” … và theo sau đó là cảm giác hoài nghi, đắn đo, không chắc chắn về quyết định của mình?
Nếu có, vậy hãy đọc qua bài viết dưới đây, dưới góc nhìn của chính tác giả về vấn đề này.
Cuộc sống là một quá trình
Ý nghĩa mục đích
Ý nghĩa việc đề ra mục đích chính là để giữ cho tâm trí chúng ta luôn rõ ràng về một điểm đến đã được vạch sẵn, và tránh cho bản thân khỏi những điều không quan trọng khác trong cuộc sống. Cốt lõi chính là để giữ “SỰ TẬP TRUNG”.
Kế hoạch hoàn hảo đến thế nào cũng không thể hoàn thành nếu như không biết nơi mình sẽ đến
Nguyên tắc “Hãy làm gì đó đi”
Thông thường ta vẫn hay thấy một chuỗi dẫn đến hành động mong muốn như sau:
Cảm hứng → Động lực → Hành động mong muốn
Nhưng vấn đề ở đây chính là chúng ta không biết được khi nào thì mới có được cảm hứng, và làm sao để duy trì cảm hứng đó được lâu là cả một vấn đề.
Cảm ơn tác giả Mark Manson với cuốn sách “Nghệ thuật tinh tế của việc Đếch quan tâm”, chính anh đã đưa ra một góc nhìn mới về chuỗi động lực, nó không chỉ là từng bước riêng lẻ mà là một chuỗi lặp liên tục.
Và điểm mấu chốt chính là, chúng ta có thể bắt đầu từ bất cứ mốc nào, và dễ nhất chính là Hành động. Lúc này chuỗi động lực của chúng ta sẽ trở thành:
Hành động → Động lực → Cảm hứng → Hành động → Động lực → Cảm hứng…
Điều quan trọng tiếp theo đó là, khi bắt đầu hành động, không cần quan tâm là phải làm điều gì đó to tát, lớn lao, nhưng chỉ cần là bắt đầu một cách nhỏ xíu, đơn giản chỉ là “cứ làm một điều gì đó đi”, dù là bất cứ điều gì, miễn là bắt đầu làm. Và chính hành động sẽ khởi động guồng quay của bánh xe động lực đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình.
Đừng nhảy vọt đến kết luận
Hãy loại bỏ tâm mong cầu.
Nói cách khác là làm nhưng đừng quá đặt nặng vấn đề buộc phải đạt được kết quả nếu không thì ấm ức tức tối vì nghĩ bản thân thất bại. Quan điểm như vậy dễ dẫn đến một cuộc đời bất hạnh.
Cuộc sống là một chuỗi những chấm nhỏ liên tục của những phút giây hiện tại. Vì vậy, mỗi khi hành động tiến đến mục tiêu, hãy tận hưởng quá trình đó, tận hưởng quá trình hành động của bản thân.
Đừng nên giữ suy nghĩ rằng mình làm điều Y này và phải nhất quyết đạt được kết quả X thì mới gọi là thành công. Hãy hành động và hoàn thành từng bước nhỏ một. Rồi đến một ngày bạn nhìn lại chính mình và sẽ thấy bản thân đã ở một đẳng cấp khác.
Tận hưởng quá trình, đừng hoài nghĩ về quá khứ, hay bận tâm lo lắng về tương lai, hãy sống ở hiện tại
Hãy là một người hoàn tất
Hãy hoàn tất việc mình đã bắt đầu, trước khi nhảy sang làm một việc khác.
Đây là sự kết hợp giữa việc đặt mục tiêu (mục đích giữ sự tập trung) và việc hành động (bắt tay vào làm một điều gì đó).
Sau khi đã tìm ra mục đích cần đạt được, tiếp theo chia nhỏ ra thành các mục tiêu cụ thể, lên kế hoạch để thực hiện từng mục tiêu một. Và phải duy trì hành động bám theo từng mục tiêu một, cái này xong thì hẵn đến cái khác. Không ôm đồm, làm nhiều việc cùng lúc.
Có một thời gian chính mình đã vấp phải sai lầm này.
Trước đây, mình mong muốn hiểu và làm việc được với ngôn ngữ Javascript (mục đích), và đã tìm hiểu download về vài cuốn sách nổi tiếng mà cộng đồng khuyên là nên đọc, đồng thời cũng tải về các video tutorial để vừa làm theo vừa học.
Do tài liệu sở hữu nhiều, đâm ra mình không tập trung hoàn thành xong bất cứ một cuốn sách hay một khóa học nào. Mỗi thứ cứ một chút, tốn một khoảng thời gian dài nhưng những kiến thức thu lượm được chỉ ở mảng bề mặt, và đâm ra chán nản.
Nhưng khi phát hiện ra một nguyên tắc đó là “Become a finisher”, trong cuốn “The complete software developer’s career guide” – John Sonmez. Mình đã áp dụng thử chiến lược kiên trì bám theo xuyên suốt một khóa học duy nhất về Javascript trên Udemy.com.
Hãy làm điều gì đó đi
Trong khoảng thời gian tự học theo course đó, có những lúc cảm hứng mình không có, nhưng vẫn giữ suy nghĩ “Hãy làm điều gì đó đi”, và mình mở udemy lên, mở video lên, ngồi xem và làm theo giảng viên trình bày.
Và cứ như vậy, tận hưởng quá trình, luôn giữ suy nghĩ “làm một điều gì đó đi” dù những lúc không có hứng học, kiên trì cho đến khi hoàn thành khóa học. Và kết quả là mình đã có thể nắm và hiểu được các khái niệm cốt lõi của Javascript mà trước đây mình chưa hề đi đến được tới nơi tới chốn.
Vì vậy, hãy trở thành một người hoàn tất.
Become a finisher
Kết
Hãy xác định mục đích mình muốn đạt được là gì. Kế đến chia nó thành các mục tiêu nhỏ, và lập kế hoạch hành động.
Luôn nhớ nguyên tắc của bánh xe động lực: Hành động → Động lực → Cảm hứng.
Những lúc chán nản, tuột cảm hứng, hãy nhớ nguyên tắc “Hãy làm điều gì đó đi”, và bắt đầu từ việc nhỏ nhất trước hết. Miễn là có “làm gì đó” dựa trên những mục tiêu đã đề ra.
Trong khi làm, không mong cầu sẽ phải đạt được mục đích cho kỳ được, mà hãy tận hưởng quá trình hành động. Kiên trì hoàn tất từng mục tiêu nhỏ.
Thực hiện được như vậy, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc trong từng phút giây cuộc đời.