Trở thành một người có ích

Views: 280

Mục tiêu

Chia sẻ về quan điểm sống có mục đích mà tác giả đã giác ngộ được, còn được gọi với một cái tên cũng khá quen thuộc trong giới lập trình product: “Hướng về người dùng cuối”.

Hiểu thế nào là “Hướng về người dùng cuối”

Nói đơn giản dễ hiểu, đó chính là hướng về Khách hàng, đặt bản thân vào vị trí người dùng. Nghĩa là những người sẽ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp để đem lại lợi ích cho họ, về nhiều mặt, đại loại: tăng doanh thu cho việc kinh doanh, tăng cảm xúc tích cực, công việc suôn sẻ, cảm thấy hạnh phúc, yêu đời, …

Thái độ “Hướng về người dùng cuối”

Ta thường hay nghe “quan trọng là thần thái”. Chính xác thì thái độ quyết định 70% thành công của mỗi người chúng ta.

Nói về thái độ, đó là gì? Chính là tư duy, nhận thức của chúng ta khi đối diện với một vấn đề nhất định. Lấy ví dụ, khi bạn làm một tác vụ nào đó:

  • Với thái độ tích cực, khi bạn gặp “khó khăn”, sẽ nghĩ đó là “thử thách” cần được bạn chinh phục. Bạn đặt mình vào vai trò là người hưởng lợi từ thành quả/sản phẩm mà bạn đang làm, thứ sẽ mang lại lợi ích cho bạn. Bạn nghĩ về “người dùng cuối”, người sẽ sử dụng sản phẩm do tài năng của bạn làm ra. Và bạn thực hiện nó với tất cả trách nhiệm.
  • Với thái độ tiêu cực, bạn sẽ chỉ toàn nhìn thấy đầy dẫy những khó khăn, những “việc phải làm”, bạn không nghĩ đến lợi ích người dùng cuối, chỉ tập trung vào việc “làm sao để làm cho xong task” mà thôi.

Khi suy nghĩ tích cực, có trách nhiệm, hướng về người dùng cuối, bạn sẽ càng tập trung vào cái gọi là “50% phần của mình”, nghĩa là bạn tập trung vào phát triển chính bạn, bạn làm điều này vì bạn tin tưởng sản phẩm/dịch vụ mà bạn tạo ra mang thương hiệu của chính mình, do đó nó phải là tuyệt vời nhất, hữu ích nhất! Và từ đó giúp bản thân bạn phát triển hơn về kỹ năng lẫn tư duy nhận thức.

Khi tập trung vào “50% phần của mình”, bạn sẽ không còn quan tâm tới việc lo sợ cấp trên sẽ đánh giá mình sao ta? đồng nghiệp sẽ nghĩ mình sao ta? lỡ mình không hoàn thành được công việc thì mọi người nhìn mình như thế nào ta? bla bla … Và, bạn sẽ chỉ tập trung vào mình đó là “Mình phải làm điều này thật tốt vì bản thân mình là một người có ích, điều mình đang làm đem lại lợi ích cho người sẽ sử dụng nó”.

Làm sao để rèn luyện thái độ mới này?

Luyện tập tinh thần trách nhiệm khi thực hiện bất kỳ một việc nào, dù là nhỏ nhất.

Đối diện với bất cứ công việc nào, bạn cũng hãy xem nó chính là hiện thân thương hiệu cá nhân của chính bạn. Nghĩa là như thế nào?

  • Nghĩa là, một khi bạn đã làm một việc gì, bạn sẽ hoàn thành nó tốt hết mức có thể trong khả năng của mình.
  • Nghĩa là bạn dám tự tin nói lên rằng “cái này chính do tôi làm ra đó, đảm bảo chất lượng 100%”, “đồ do tui làm mà lị”,  mà không một chút lo lắng sợ sệt nào.
  • Hoặc là khi một người nào đó nhìn vào sản phẩm của bạn làm ra thấy thật tốt, họ mặc nhiên trong suy nghĩ rằng rất có thể là do chính bạn làm.

Khi đó bạn đã tự đưa chính bản thân mình lên một tầm cao mới. Tầm của chất lượng, của sự hữu ích thiết thực. Một tầm nhận thức mới, kỹ năng mới.

Và khi đó, bạn trở thành một con người hữu ích, có trách nhiệm và được mọi người đặc biệt tôn trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.