Views: 227
Việc tiếp thu tri thức thông qua sách vở đã và đang là một xu thế rất thịnh hành. Đã có rất nhiều khóa học, bài báo nghiên cứu, sách vở chỉ ra rất nhiều cách thức để đọc sách. Nhìn chung thì tất cả đều có chung một vài đặc điểm như: tăng cường tốc độ đọc hiểu, tăng khả năng di chuyển của mắt, sử dụng những “vật dẫn đường” trong quá trình đọc để tăng sự tập trung, … tất cả chúng ta đều có thể tìm đọc, tham gia các khóa học để rèn luyện những kỹ năng đó. Tuy vậy, đó vẫn là “kỹ năng hỗ trợ”, là những trợ thủ đắc lực giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong quá trình đọc sách. Nên dù thế nào ta cũng vẫn cần rèn luyện tất cả những kỹ năng đó để có thể trở thành một độc giả “có kỹ thuật”.
Nhưng có kỹ thuật thôi thì chúng ta vẫn chỉ là đang ở mức gọi là “thợ sách“. Nghĩa là chúng ta chỉ biết đụng vô một cuốn sách là sẽ phải tung hết những “tuyệt kỹ” mình đã luyện được, nhưng không biết được phương hướng chính xác để thật sự sở hữu một cuốn sách về mặt trí tuệ. Hay nói cách khác đó là trở thành một “độc giả thông minh”.
Vậy làm cách nào để có thể trở thành “độc giả thông minh”? Nghĩa là có khả năng nhận biết các loại sách, sách nào nên đọc, sách nào không. Hoặc có thể đọc được và HIỂU THẤU ĐÁO nội dung mà tác giả truyền đạt. Liệu những “kỹ thuật” đọc nhanh, đọc siêu tốc có thực sự làm được điều này như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ? Và các bạn hãy suy ngẫm một chút phát biểu sau: “Nếu bạn không chia nhỏ công việc thành nhiều giai đoạn nhỏ, biến chúng thành các mục tiêu để dần dần chinh phục theo thời gian, thì khả năng bạn đi đến cuối đường nhưng vẫn chẳng thu được ích lợi gì là rất cao”.
Nguy hiểm chính ở đây đó là “đi đến cuối đường nhưng vẫn chẳng thu được ích lợi gì“. Bạn đọc siêu nhanh, trong thời gian cực kỳ ngắn. Bạn cho rằng mình đã trở thành một “siêu độc giả”, có khả năng đọc một loạt hàng chục cuốn sách chỉ trong vài ngày, hay chỉ cần một tháng đôi ba tuần. Bạn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mình là người “đọc sâu biết rộng”. Nhưng hỡi ôi. Giờ nếu chọn ra trong những cuốn sách mà bạn đã đọc một quyển bất kỳ. Và bảo bạn diễn đạt ngắn gọn thôi, nội dung của cuốn sách viết về điều gì? Có những luận điểm gì? Bạn rút ra được điều gì từ cuốn sách đó? Thì…liệu bạn có trả lời được?
Tuy vậy, vẫn có một số ít những người có khả năng ghi nhớ rất tốt dù chỉ đọc lướt qua một lần. Nhưng đó là do họ cũng trải qua giai đoạn rèn luyện đúng cách, và có phương pháp rõ ràng chứ không chỉ là chỉ áp dụng các kỹ thuật đọc siêu tốc, liếc mắt, trỏ tay .v.v. Họ áp dụng phương pháp đúng đắn nhưng có thể họ không biết là mình đang vận dụng một phương pháp. Chỉ là họ đã trải qua và nghiệm ra trong quá trình đọc rất nhiều sách và “phương pháp” đã trở thành một thói quen ngầm.
Vậy thì, phương pháp đó là gì?
PHƯƠNG PHÁP “ĐỌC 5 LẦN”
Mới nghe qua chắc chắn nhiều người sẽ thốt lên rằng “Đọc đến tận 5 lần một quyển sách thì còn gì là phương pháp tốt nữa?”, “Thời gian của tôi không cho phép đọc nhiều đến như vậy?” và còn nhiều “tiếng ca than oán” khác nữa. Nhưng hãy bình tĩnh và tìm hiểu tiếp tại sao lại là “ĐỌC 5 LẦN”.
LẦN ĐỌC 1:
Đây còn gọi là “Đọc KIỂM SOÁT có hệ thống”.
Mục đích chính ở lần đọc đầu tiên này là để các bạn biết được cuốn sách nói về vấn đề gì? Gồm BAO NHIÊU phần? Kết luận mà bạn tự rút ra là gì?
Nguyên tắc: ĐỌC KỸ nhưng KHÔNG GHI CHÚ. (không cố gắng ghi nhớ gì hết)
Cụ thể chỉ cần đọc các mục sau:
- Mục lục, lời giới thiệu, lời tựa, lời bình: đây là những phần cực kỳ quan trọng, giúp bạn hình thành một tấm bản đồ bao quát nội dung của cuốn sách mình đang xem.
- Tiêu đề chương, phần nhỏ: đếm xem ở mỗi chương có bao nhiêu phần. Vậy thôi đủ rồi. Chỉ việc đếm thôi. Đếm xong thì tiếp bước 3 + 4. Và nhớ là đang ở chương nào thì đếm chương đó, rồi qua bước 3&4, xong rồi mới tiếp chương tiếp theo.
- Đầu mỗi chương, mỗi phần: đọc qua để xem tác giả có tóm tắt phần đó hay không. Nếu không thì tiếp bước 4.
- Cuối mỗi chương, mỗi phần: tìm xem ở cuối mỗi phần này có những ý tóm tắt phần đó hay không. Nếu có thì đọc qua một lần.
LẦN ĐỌC 2:
Đây còn gọi là “Đọc KIỂM SOÁT toàn bề mặt”.
Lần đọc thứ hai này rất đơn giản. Và đây cũng chính là lúc vận hành kỹ năng “đọc siêu tốc” của bạn. Hãy đọc một lèo từ đầu đến cuối cuốn sách mà KHÔNG CẦN DỪNG LẠI ở những CHỖ CHƯA HIỂU”.
Mục đích của lần đọc thứ hai này là giúp bạn scan nhanh qua quyển sách và giúp giải phóng bạn khỏi tâm lý SỢ BỎ SÓT NỘI DUNG QUÝ BÁU. Hãy cứ đọc và đừng dừng lại. Hãy nghĩ là bạn vẫn còn 3 LƯỢT CHƠI nữa ở phía sau mà. Nên đừng ngần ngại đắn đo.
Nguyên tắc: ĐỪNG DỪNG LẠI
Feel free and enjoy it!
GHI CHÚ QUAN TRỌNG:
- Thông qua LẦN ĐỌC 1, bạn đã có thể biết mình có nên tiếp tục đọc quyển sách đó hay không. Nó có chứa những thông tin mà bạn cần hay không. Và nếu bạn vẫn chưa biết được, thì LẦN ĐỌC 2 sẽ giúp bạn làm sáng tỏ hơn điều này.
- Lợi ích ngầm: qua 2 lần đọc này, bạn cũng đã có thể nắm được khái quát nội dung sơ bộ của cuốn sách bạn đang cầm. Và đây là lợi ích thiết thực nhất dành cho những ai hạn hẹp về mặt thời gian.
LẦN ĐỌC 3:
Đây còn gọi là “Đọc PHÂN TÍCH giai đoạn I – cấu trúc”
Giờ đây, qua 2 lần đọc trước. Nếu bạn đã quyết định sẽ tiếp tục “ngấu nghiến” quyển sách này vì nội dung sơ bộ có vẻ hợp với bạn, thì bạn đã tiến đến giai đoạn gọi là ĐỌC PHÂN TÍCH. Đến lúc này bạn mới phải cần ghi chú.
GHI CHÚ ở đây là một hoạt động được hiểu là bao gồm cả việc viết ra CÂU HỎI, và viết ra CÂU TRẢ LỜI tương ứng trong quá trình đọc mà bạn khám phá ra.
Việc đọc phân tích sẽ giúp cho bạn đi sâu hơn vào nội dung chi tiết của quyển sách. Bạn có thể nghiền ngẫm và thu tóm tri thức của quyển sách làm của mình.
Giai đoạn I của ĐỌC PHÂN TÍCH, còn gọi là “giai đoạn cấu trúc”.
Mục đích chính của lần đọc thứ ba này đó là giúp cho bạn một lần nữa nắm chắc được một cách tổng quan toàn bộ quyển sách. Và vạch ra cho bạn những đường hướng để tiếp cận nội dung của quyển sách đó.
Nguyên tắc: chỉ ghi chú (xem thế nào là ghi chú ở phần in nghiêng bên trên) ở mức cấu trúc của quyển sách
Các việc cụ thể bạn cần làm trong lần đọc này:
1. Thể loại sách: bạn hãy trả lời cho câu hỏi “Thể loại sách bạn đang xem là thuộc loại sách gì?”.
- Có những thể loại như tiểu thuyết, hướng dẫn kỹ năng, khoa học, truyện, kịch, thơ .v.v.
- Có 2 khái niệm nữa đó là sách lý thuyết và sách thực hành.
- Sách thực hành: thường có những từ đại loại như: làm thế này, làm sao để, theo cách này, bước này bước kia, .v.v. Nói chung là hướng dẫn bạn, đưa ra cho bạn các bước, trình tự thực hiện một việc gì để đạt được điều gì đó.
- Sách lý thuyết: thường giải thích các khái niệm, định nghĩa. Những từ thường hay gặp: có nghĩa là, kết luận rằng .v.v.
- VD: đây là một câu trả lời ví dụ cho câu hỏi trên – “sách A thuộc thể loại hướng dẫn kỹ năng, và nó là sách thực hành”.
2. Cấu trúc sách: bạn hãy vạch ra tấm bản đồ cho cuốn sách. Nghĩa là ở mỗi chương gồm có phần nào? Ở mỗi phần có những mục nào? Nếu như sách đã có mục lục thật sự chi tiết thì bạn sẽ đỡ mất một chút công sức để hiện thực phần này. Còn nếu không, bạn cần phải tự vạch ra cho mình một “tấm bản đồ” và luôn để trong tầm mắt trong lúc đọc.
3. Đưa ra các câu hỏi: đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa những độc giả thông thường và độc giả thông minh. Bạn cần phải tự đặt ra một vài câu hỏi và để trong quá trình đọc chính bạn sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.
- Một vài câu hỏi ví dụ: “Nội dung chính của cuốn sách là gì?”, “Mục đích tác giả viết cuốn sách này là gì?”, “Đâu là những phần quan trọng cần chú ý đặc biệt?”, “Các phần trong sách liên kết với nhau như thế nào?”.
- Những câu hỏi đặt ra ở LẦN ĐỌC 3 này chủ yếu xoay quanh cấu trúc của quyển sách là chính, khoan hãy đụng đến nội dung chi tiết.
4. Tìm câu trả lời: trong quá trình đọc, hãy luôn theo dõi tiến trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi bạn đã đặt ra trước khi đọc. Và lưu ý, trong quá trình đọc nếu bạn nảy ra một câu hỏi thì cứ thêm câu hỏi đó vào danh sách các câu hỏi trước và tiếp tục đi tìm câu trả lời.
Trên đây là phương pháp đọc sách mình đã trích lọc được từ cuốn “Phương pháp đọc sách hiệu quả”. Và ở Phần 2, mình sẽ tiếp tục chia sẻ về 2 bước còn lại trong quá trình đọc sách. Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết nhé.
Mọi ý kiến đóng góp giúp mình cải thiện hơn về chất lượng bài viết, mình rất hoan nghênh, vậy nên các bạn cứ mạnh tay comment nhé!
Nguồn tham khảo:
- “Phương pháp đọc sách hiệu quả” – Mortimer J.Adler & Charles Van Doren
- “Tôi tự học” – Nguyễn Duy Cần